Tục lấy nước đầu năm

Lấy nước nàng tiên-lấy nước mới đầu năm-là phong tục truyền thống của cộng đồng người Tày, Nùng ở vùng núi rừng phía Bắc. Tục lấy nước nàng tiên thể hiện sự tôn trọng, yêu quý thiên nhiên và ước mong về một cuộc sống tốt đẹp, may mắn tràn trề trong năm mới.

Người già bảo rằng, nước là khởi nguồn của sự sống, là biểu hiện của sự đủ đầy không bao giờ vơi cạn... Thời khắc Giao thừa cũng là lúc chủ nhà thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, rồi giục con cháu khoác thêm áo ấm, ra sàn chuẩn bị đôi thùng dán giấy đỏ, chiếc đòn gánh, chiếc gáo to để đi lấy nước nàng tiên (tiếng Tày là “Au nặm mấư”). Bà Hoàng Thị Nhuận, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Cao Bằng, lý giải phong tục lấy nước mới của người Tày có 3 ý nghĩa: Thứ nhất, lấy nước mới là lấy lộc của năm mới vào nhà. Nước của thiên nhiên dành cho người Tày không bao giờ cạn, cũng như của cải được bàn tay con người làm ra; thứ hai, lấy nước mới về để rửa đi những uế tạp của năm cũ, tháng cũ; thứ ba, là đón nhận ánh hào quang, thứ tuyệt vời nhất của vũ trụ vào ngày đầu tiên của năm mới. Người già trong nhà dặn, ngay sau thời khắc Giao thừa, khi nghe tiếng gà gáy lần thứ nhất, con gái, con dâu trong nhà đi lấy nước mới ngoài giếng của bản. Đi lấy nước mới cần đem theo 3 que hương, tập giấy tiền làm từ cây mạy sla. Lấy nước mới không được múc nhiều lần, nếu lấy thùng, lấy bẳng đi đựng chỉ múc một lần là đầy ắp. Trước khi múc nước thì cắm 3 que hương để xin thần giếng. Múc nước xong, hóa tiền vàng tạ ơn trời đất, thần giếng rồi gánh nước về nhà.

Hứng nước nguồn suối Lê Nin ở Cao Bằng.

Khắp các ngả đường, sương còn giăng trắng lối nhưng tiếng chúc mừng năm mới quen thuộc: “Pi mấư hôn hỉ, pình an nớ” (chúc mừng năm mới), “Bươn Chiêng pi mấư pảo pỉ noọng mì rèng” (tháng Giêng năm mới, chúc anh em có sức khỏe) vang lên giữa giờ phút giao hòa của trời đất. Thường thì người Tày, người Nùng chúc nhau như thế khi gặp nhau đi lấy nước nàng tiên đầu năm mới...  Nước mới được đưa về nhà cũng là khi mọi điều không may mắn của năm cũ được giũ bỏ. Dâng nước mới lên bàn thờ tổ tiên xong, chủ nhà sẽ cho vào bếp lửa giữa sàn ngoài một đoạn củi dài hơn sải tay, gọi là “Quấn phừn tham pi” (củi gộc khiêng tuổi) đủ để cháy âm ỉ trong 3 ngày Tết.

Người Tày, Nùng ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lấy nước tiên ở mỏ nước về đun sôi mới mang lên bàn thờ, mỗi mâm một bát nước, mỗi bát nước cắm cành thanh táo. Cây thanh táo là cây được dùng ở nghi lễ then của người Tày trong cả đời người. Trong ký ức của bà Ma Thị Đạng (xã Yên Đổ, huyện Phú Lương): “Trước đây, cứ Giao thừa xong là nhà nào nhà nấy xếp hàng lấy nước, đi chậm không lấy kịp. Lấy được nước rồi, bước nhanh về, chân cứ va vào nhau kêu loong roong, loong roong; phần nhiều là đàn bà con gái đi lấy nước. Phong tục lấy nước mới này hiện nay ở đây vẫn còn, nhưng giếng tiên thì bị lấp rồi. Dân bản lấy nước giếng khoan dùng thôi, mình coi đó là nước tiên”.


Ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tục lấy nước đầu năm lại được tái hiện trong nghi lễ ngày hội lồng tồng (hội xuống đồng). Khi đó, trưởng bản sẽ đi lấy nước mới mang về thờ ở “Pú xửa” (miếu thành hoàng) của bản. Khi làm lễ xong, trưởng bản sẽ hất ống nước lên mái của “Pú xửa” để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, cả làng bình an. Kết thúc hội lồng tồng, mỗi gia đình cũng làm lễ hạ cây nêu và thắp hương, xin phần nước mới trên bàn thờ tổ tiên rồi đem hắt lên mái nhà với mong ước năm mới mùa màng bội thu.


Thực hiện các công đoạn để đi lấy nước đầu năm một cách cẩn trọng, thành kính, đem lại cho đồng bào Tày, Nùng niềm tin vào một năm mới tốt lành, có ý nghĩa giáo dục con người phải biết nhớ về nguồn cội, sống hòa hợp và bảo vệ thiên nhiên.

Theo:qdnd.vn