Múa Trống đất

Điệu múa của những người đàn ông

Xung quanh câu chuyện về chiếc trống đất của người Dao họ, điều đặc biệt là không chỉ trống đất có cấu tạo độc đáo mà múa trống đất cũng là điệu múa cầu kỳ, hấp dẫn.

Điệu múa trong nghi lễ quan trọng

Trở lại câu chuyện, nghệ nhân Bàn Văn Sang chia sẻ: Trống đất được sử dụng trong những sự kiện quan trọng về mặt văn hóa, tâm linh của người Dao họ như lễ lập tịch (lễ cấp sắp), lễ làm chay (làm ma khô), trong các dịp vui, ngày hội văn hóa của cộng đồng. Khi đánh trống, “nhạc công” dùng bàn tay vỗ theo nhịp vào mặt da ở đầu hình phễu, dùng 1 que nứa/tre gõ vào mặt da ở đầu hình cầu, tạo ra thanh âm. Một đầu tạo nên âm thanh trầm ấm, một đầu tạo nên âm thanh vang vọng. Sự kết hợp giữa âm thanh hai đầu trống bởi bàn tay người đánh trống tạo nên nét rất riêng của trống đất.

Nghệ nhân Bàn Văn Sang chuẩn bị nhạc cụ biểu diễn múa trống đất

Nói rồi, ông Sang trực tiếp đánh trống đất cho chúng tôi xem. Quả thực âm thanh trống đất rất độc đáo, vừa có tiếng trống âm vang, vừa có tiếng gõ tạo nhịp điệu lúc khoan thai, khi dồn dập khiến chúng tôi hình dung đến những bước nhảy trong lễ hội.

Những ngày cuối năm 2019, trở lại xã Sơn Hà (Bảo Thắng), chúng tôi được hòa mình trong bầu không khí văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của những nghi lễ quan trọng đối với cộng đồng người Dao họ. Đây cũng là dịp nhiều gia đình, dòng họ mời thầy cúng về làm lễ cấp sắc. Trong không gian văn hóa thiêng liêng ấy, âm thanh của trống đất và các nhạc cụ như chũm chọe, chỉnh chèng vang lên rộn rã như cầu nối giữa cõi dương - âm, cõi thực - ảo. Nhìn nghệ nhân người Dao họ đánh trống say sưa, các thầy cúng và người tham gia cấp sắc như đang đi vào thế giới đầy huyền ảo.

Điệu múa chỉ dành cho đàn ông

Xem các nghệ nhân người Dao họ biểu diễn bài múa trống đất, tôi băn khoăn chưa hiểu vì sao điệu múa này chỉ có nam giới biểu diễn mà không có bất kỳ người phụ nữ nào tham gia. Lý giải điều này, ông Bàn Văn Xiêm, thầy cúng am hiểu về các nghi lễ và múa trống đất ở xã Cam Cọn (Bảo Yên) cho hay: Từ xưa, trống đất chỉ dùng trong các nghi lễ quan trọng của người Dao họ. Đối với các nghi lễ này chỉ thầy cúng và nam giới mới được tham gia, bởi đàn ông là chủ trong gia đình, dòng họ, có vai trò quan trọng nên mới được tham gia các nghi lễ.

Trống đất là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ đặc biệt của người Dao họ. Vì lẽ đó, người đánh trống đất, múa trống đất trong các nghi lễ đương nhiên phải là đàn ông. Hơn nữa, chiếc trống đất rất nặng nên phụ nữ cũng khó lòng vừa đeo vừa đánh trống và múa.

Theo ông Xiêm, múa trống đất trong các nghi lễ của người Dao họ có 8 bài múa quan trọng. Bài Sếu panh: Để chiêu binh mã về múa cho gia tiên; bài Tìu chày (múa nhảy gà): Mời gia tiên về hưởng lễ, tiêu trừ vận hạn cho khỏi ám vào gia đình; bài Dèo rằn: Múa thỉnh chào gia tiên về hưởng lễ, phù hộ cho gia đình may mắn); bài Sang té (múa que): Đuổi tà, đánh tà trong lễ lập tịch, làm chay; bài Pìu má láo hoan (múa sạp): Thỉnh gia tiên, thần thánh về hưởng lễ cho mọi sự thành đạt; bài Tìu vặt: Múa thỉnh chào gia tiên cùng nhau vui vẻ đến hưởng lễ; bài Tùi lành vềnh: Mời binh mã đến cày bừa cho gia tiên; bài Tìu sờ mạn nhặm sao panh (múa thu binh mã): Để thu binh mã về khi sắp hết đám.

Tùy theo từng bài múa mà người đánh trống đất và các nhạc cụ đánh theo nhịp điệu và tốc độ nhanh, chậm khác nhau, tạo nên không khí thiêng liêng của nghi lễ.

Từ nghi lễ đến nghệ thuật trình diễn

Từ câu chuyện về chiếc trống đất và cách đánh trống đất, tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ở xã Sơn Hà (Bảo Thắng) hiện nay không phải ai là người Dao họ cũng biết đánh trống đất. Xã Sơn Hà hiện có một đội múa trống đất thôn Khe Mụ gồm 7 người biết sử dụng các nhạc cụ và múa trống đất giỏi nhất vùng.

Đội múa trống đất xã Sơn Hà biểu diễn trong một hội nghị

Nghệ nhân Bàn Văn Sang, thành viên chủ chốt của đội múa trống đất thôn Khe Mụ cho biết: Từ năm 1982, đội múa trống đất ở đây đã nổi tiếng khắp vùng, được ngành văn hóa tỉnh mời đi biểu diễn ở xã Bảo Hà. Năm 1991, nhân sự kiện tái lập tỉnh, đội múa trống đất cũng được mời lên tỉnh biểu diễn. Năm 1994, đội múa trống đất đi biểu diễn 21 ngày ở các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái. Qua mỗi lần biểu diễn, chúng tôi giới thiệu tới nhân dân các dân tộc điệu múa truyền thống của người Dao họ, đó cũng là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Dao họ ở Lào Cai.

Theo ông Lý Văn Cùng, Đội trưởng Đội múa trống đất thôn Khe Mụ, khi múa trống đất thì 1 người đánh trống, 1 người đánh thanh la, 1 người đánh chỉnh chèng, còn 4 người tham gia múa. Trang phục biểu diễn cũng là trang phục truyền thống dùng trong nghi lễ của người Dao họ là khăn, áo đỏ, áo vàng thêu hình hoa văn rất cầu kỳ. Mỗi điệu múa phản ánh các phong tục, tập quán, quan niệm của người Dao họ trong đời sống hàng ngày và đời sống văn hóa, tâm linh.

Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng điệu múa trống đất của dân tộc Dao họ, bà Lê Hải Thanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Thắng cho biết: Nghệ thuật dân gian múa trống đất của dân tộc Dao họ xã Sơn Hà là nét văn hóa đặc sắc. Đây cũng là một trong những di sản văn hóa của địa phương. Điệu múa này chứa đựng tri thức văn hóa, phản ánh sức sáng tạo, tài năng của nhân dân. Trong những năm qua, nghệ thuật dân gian múa trống đất đã được dàn dựng thành các tiết mục trình diễn độc đáo vào các kỳ hội diễn của huyện, đạt thành tích cao trong các kỳ hội diễn của tỉnh Lào Cai.

Theo: baolaocai.vn