Tu viện cổ Tả Phìn SaPa
Điểm đến đẹp ma mị đầy huyền bí
Tu viện cổ Tả Phìn với vẻ đẹp ma mị đầy huyền bí dường như là một thành phố đã chìm vào quên lãng nơi Sapa bình yên và thơ mộng. Bầu không gian yên tĩnh trầm mặc cùng khung cảnh lãng đãng sương khói, dường như nơi tu viện cổ chính là một thế giới khác tách biệt với chốn thị trấn Sapa tấp nập người qua lại.
1.Tu Viện cổ Tả Phìn ở đâu?
Nằm cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng chừng 12km về phía Đông, tu viện cổ Tả Phìn nằm tại bản Tả Phìn với vẻ đẹp cổ kính cùng lối kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Pháp thuộc với những bức tường đá đầy rêu phong và những tác động của thời tiết theo dòng thời gian thoi đưa.
Bạn có thể thuê xe máy để đến với tu viện cổ Tả Phìn.
Nếu muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp cổ kính, huyền bí nơi tu viện cổ, từ trung tâm thị trấn Sapa, bạn có thể thuê xe máy với mức giá dao động trong khoảng từ 100.000VNĐ. Hoặc nếu không, hãy tìm đến những chú xe ôm với mức giá khoảng chừng 150.000VNĐ để họ đưa bạn đến, đồng thời trở thành một người hướng dẫn viên bản địa và kể rõ hơn những giai thoại xoay quanh ngôi tu viện cổ cổ kính này.
2.Ngược dòng thời gian tìm về lịch sử nơi tu viện cổ Tà Phìn:
Ít ai biết rằng, tu viện cổ này vào năm 1942 lại là nơi cư trú của 12 nữ tu thuộc dòng Nữ tu Hội thánh Kito. Sau khi cải giáo, 12 người đã bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, và 8 người trong số đó cùng với một thầy tu thuộc dòng khác đã tình nguyện được ở lại để tiếp tục hành trình truyền đạo của mình.Khi ấy, Đại sứ Pháp tại Nhật đã tự tay viết một bức thư gửi đến Cha Tổng giám mục giáo phận Hưng Hóa, Lào Cai lúc bấy giờ với mục đích xin cho họ được đến đây sinh sống và tiếp tục truyền đạo.
Vào tháng 2 năm 1942, quan toàn quyền Bắc Kỳ bấy giờ đã ký khế ước đồng ý cấp khu đất bỏ hoang bên cạnh trạm nghiên cứu cây ăn quả Tả Phìn này cho giáo hội với số tiền thuê là 1 quan / năm.
Tiếp theo đó, vào tháng 6 năm 1942, đoàn nữ tu đã đến đây và họ được bố trí nghỉ ngơi trong một căn nhà gỗ cũ kỹ với mỗi người chỉ có vỏn vẹn một bộ trang phục đang mặc trên người cùng 200 yên. Quan Pháp tỉnh trưởng Lào Cao khi ấy đã đồng ý cấp cho họ một đàn gia súc, gia cầm với 8 con bò sữa, 1 con bò mộng, 2 con bò đực, 2 con bò cái tơ, 9 con bê, 24 con gà mái, 6 con lợn cùng nhiều loại nông cụ khác.
Ít ai tin rằng, tu viện hoang vắng này trước kia có nhịp sống sôi động đến thế...
Không chỉ mỗi ngày tất tả với công việc đồng áng chăn nuôi, các nữ tu còn tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, phổ biến các kỹ thuật canh tác cho người dân địa phương, chủ yếu trồng những loại cây ăn quả, cây lương thực như đại mạch, lúa kiều mạch đen, rau xanh, nho, khoai lang, v.v. Dần dần, tu việc trở thành nguồn cung cấp hoa quả chính tại Sapa đồng thời sản xuất một loạt những loại mứt quả thơm ngon và độc đáo cùng lượng sữa, bơ, phô mai được vận chuyển ra tận Hà Nội xa xôi.
Tưởng chừng cuộc sống yên bình sẽ mãi kéo dài, tuy nhiên, vào năm 1945, bởi tình hình chính trị, an ninh bất ổn, đoàn nữ tu đã lên đường về Hà Nội và tu viện chính thức bị bỏ hoang từ dạo ấy. Trải qua nhiều biến động lịch sử cùng với sự bào mòn của thời gian và thời tiết, tu viện hiện nay chỉ còn lại trơ trọi những mảnh tường đá nhuộm màu xanh rêu phong – minh chứng rõ nét nhất về một thời các nữ tu đã từng xuất hiện nơi vùng đất Sapa hoang sơ, hẻo lánh.
3. Vẻ đẹp ma mị đầy huyền bí nơi tu viện cổ từ thời Pháp thuộc:
Dường như cả tu viện là một thế giới thật khác với vẻ đẹp cổ kính đặc trưng của vùng Âu châu, tách biệt hoàn toàn với những gian nhà gỗ đơn sơ quen thuộc chốn núi rừng Sapa với những bức tường đá cùng cổng vào mang đậm vẻ đẹp của kiến trúc Pháp, phảng phất dư vị hoài cổ, mông lung và huyền bí.
Một góc tường nhỏ nơi tu viện cổ giờ đây chỉ còn những lớp đá dày
Những bức tường thành bao quanh tu viện được làm hoàn toàn từ đá ong, còn phía bên trong là những mảng tường, ô cửa sổ kiên cố, chắc chắn ngày nay đã phủ đầy một lớp rêu phong nhưng vẫn hiên ngang đứng vững giữa chốn mây trời Sapa lãng đãng.