Trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người dân bản Lao Chải

Trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người dân bản Lao Chải

Nếu đi từ trung tâm thị trấn Sapa, bạn đi hết phố Cầu Mây, sau đó rẽ sang phố Mường Hoa. Vậy là bạn đã khởi đầu trải nghiệm một cuộc sống khác, đúng nghĩa của những bản làng xa xôi - Lao Chải, Tả Van.

Đoạn đường đi bộ trên con đường mòn vào rừng thăm bản làng Lao Chải, Tả Van

Bạn đi bộ trên con đường mòn từ đồi Ý Linh Hồ dẫn qua Lao Chải rồi đến Tả Van sẽ cho bạn chuyến đi bộ dã ngoại lãng mạn và tuyệt vời. Quãng đường đi bộ cách thị trấn 9km, kéo dài khoảng 3,5 giờ. Lưu ý, người già và trẻ nhỏ không nên tham gia điểm tham quan này vì đường đi bộ dài và hơi khó đi tuy nhiên bạn có thể đi xe máy hoặc taxi vào đến tận bản cũng được.

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Cây cầu Lao Chải chắc chắn, đủ một chỗ cho xe ô tô con chạy qua

Lao Chải cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 7km, là một xã với hơn 100 hộ gia đình của dân tộc H'mông đen. Người H'mông ở đây có kinh nghiệm làm thâm canh lúa nước trên các thửa ruộng thấp ở thung lũng. Ngoài ra họ còn trồng ngô, sắn và lúa nương trên sườn đồi núi phía sau làng.

Hơn 40 hộ ở bản làng Tả Van nằm trên đỉnh các ruộng bậc thang như thế này

Tiếp sau Lao Chải là làng Tả Van nơi chủ yếu người dân tộc Dáy với 40 hộ dân sinh sống và số ít các dân tộc khác. Người Dáy có cách sống định cư ổn định, luôn chọn những vùng đất thấp ở thung lũng gần sông suối để trồng lúa nước trong khi người H'mong thích độ cao để trồng ngô, khoai sắn và lúa nương. Gần đây, người H'mong đã dần xuống vùng thấp hơn để canh tác.

Phía trước Tả Van là suối Mường Hoa trong trẻo, phía sau tựa vào dãy núi Hoàng Liên Sơn. Từ bản Tả Van có thể đi lại rất thuận tiện sang các điểm du lịch nổi tiếng khác của Sapa như: Lao Chải, Cầu Mây, Tả Phìn, bãi đá cổ, thác Bạc, Giàng Ta Chải…

RUỘNG BẬC THANG

Vẻ đẹp ruộng bậc thang SaPa

Những thửa ruộng bậc thang Tả Van có từ hàng trăm năm nay và đều do những đôi bàn tay cần mẫn của người nông dân các dân tộc thiểu số làm nên. Là vùng tiểu khí hậu ôn đới và phải chờ mùa nước đổ, vùng Lao Chải – Tả Van đến khoảng tháng 5 mới vào vụ cấy lúa. Làm ruộng giỏi nhất phải kể đến người Hà Nhì, rồi người Mông, người Dao… quanh năm sống trên những miền núi cao bậc thang Hoàng Liên Sơn.

Vào mùa gặt, cánh đồng lúa ruộng bậc thang SaPa phát ra một màu vàng óng

Tháng 9 là thời điểm đẹp nhất ven theo các khe suối đều tràn ngập sắc vàng của lúa chín, cộng thêm ánh nắng thu làm cả thôn bản ấm lên tuyệt đẹp. Vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang ở Lao Chải - Tả Van đã khiến SaPa nói chung trở thành điểm đến khách du lịch, đặc biệt là những người đam mê nhiếp ảnh , điện ảnh, văn học - nghệ thuật. 

Ruộng bậc thang uốn lượn trông rất đẹp mắt. Vivupa tiên phong du lịch SaPa bằng xe bus

VĂN HOÁ LAO CHẢI - TẢ VAN

Bên cạnh những khung cảnh ngoạn mục và hùng vĩ của thiên nhiên thì đến Lao Chải - Tả Van có đi bộ mới thấy được hét nét đẹp văn hoá nơi đây. Ở Tả Van có tục thờ đá của người Việt cổ. Bên kia bờ suối có khu bãi đá nổi tiếng, được người xưa chạm khắc với gần 200 tảng đá to nhỏ các cỡ. Trên mỗi tảng đá khắc nhiều hình ảnh và văn hoá độc đáo. 

Sau lưng vẫn là chốn huyên náo, phồn hoa của SaPa nhưng trước mặt là không gian yên bình lạ thường. Nếu không có những hàng cột điện đưa ánh sáng về bản, không có con đường trải bê tông thì nơi này đúng chất cuộc sống các dân tộc thiểu số xa xôi Mông, Dao, Dáy, Tày.... bản địa. Có thêm những tiện nghi hiện đại nhưng người địa phương vẫn giữ nguyên nét văn hoá và nếp sinh hoạt truyền thống. 

NGỦ BẢN HOMESTAY Ở TẢ VAN

Khi bạn chọn ngủ đêm homestay mới trải nghiệm được hết cuộc sống đúng nghĩa bản làng dân tộc xa xôi. Qua đó bạn có thể hiểu rõ hơn cuộc sống bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc, vừa được thưởng thức những món ăn dân giã, vừa được hòa mình vào không gian, được tìm hiểu những phong tục truyền thống cũng như tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở mọi miền đất nước…

Việc trải nghiệm bản sắc văn hoá sẽ thiếu phần thú vị nếu bạn không thưởng thức những món ăn mang đậm chất địa phương nhưng được chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị của du khách trong đó đặc sắc nhất phải nói đến các món được chế biến từ: Rau, lợn chạy rông, gà đen do người dân tự nuôi trồng… Đặc biệt hơn nếu trong cái không khí se lạnh vùng cao và cùng được uống bát rượu ngô thơm ngon, bạn không thể tìm thấy nó dưới xuôi đâu.

Đêm đến, bạn sẽ có một chiếc đệm êm, mùng, gối chăn ấm áp được chủ nhà chuẩn bị ngăn nắp sạch sẽ, sắp xếp sẵn trên gác quanh ngôi nhà truyền thống của dân tộc Giáy, có đèn sáng và không khí thì ấm cúng do không có cửa sổ vì thời tiết ở Sapa luôn lạnh về đêm…

 Đa phần khách du lịch đều thông qua các công ty tour để được sống kiểu "homestay" ngay giữa núi rừng. Đến bữa, chủ nhà nấu nướng và ăn cơm cùng gia đình. Nếu đi tự túc, bạn chỉ phải thanh toán 100.000đ cho một đêm ngủ.

LỜI KẾT:

Vậy là khi tham gia chuyến đi du lịch Sapa này là bạn đã đạt được hai mục đích: Đóng góp trực tiếp cho người dân bản bằng cách nghỉ ngơi ở những ngôi nhà dân dã của đồng bào. Được trực tiếp cọ xát sâu hơn thiên nhiên cuộc sống gần gũi với người dân tộc thiểu số và được thưởng thức những món ăn rất lạ miệng, ngon, hấp dẫn làm cho chuyến đi thêm ý nghĩa.

Theo: dulich24.com.vn