Những điều kiêng kị ở Sapa

Du lịch bụi Sapa (đi phượt Sapa) có những chú ý vô cùng quan trọng mà mỗi người cần phải nhớ. Thậm chí, có những điều được coi, gọi là điều “cấm kỵ tuyệt đối” với khách du lịch Sapa khi tới các bản làng, nhà của người dân tộc nơi đây. Không hề doạ, nhưng danh sách “những điều cấm kỵ ở Sapa” sau đây sẽ là điều mà chúng ta không thể bỏ qua.


Không cần biết là vì phép lịch sự tối thiểu, sự tôn trọng hay những quan niệm dân gian về “tâm linh“, nhưng khi du lịch Sapa (trừ những trường hợp đi tour Sapa), có những điều tưởng như rất bình thường cũng trở thành cấm kỵ.

Những điều cấm kỵ ở Sapa cần phải nhớ

Những điều kiêng kỵ khi đi đến làng bản:

Điều thứ nhất: Những người dân tộc ở Sapa thường có tục lệ cúng thần, đuổi tà ma và không muốn bị quấy rầy khi đang thực hiện những nghi lễ này. Lúc đó, họ sẽ treo lên một cây cột gỗ cao, ở phía trước cổng làng, bản một chùm lá xanh để khách tới đây có thể nhìn thấy. Khi nhìn thấy “dấu hiệu” này, khách du lịch Sapa phải hiểu và nên tránh đi hoặc chờ buổi lễ kết thúc.

Dấu hiệu cho thấy trong làng, bản đang tổ chức lễ cúng

Vật được treo cũng có thể là những đồ khác nhau, tuỳ dân tộc, như đan phên mắt cáo, buộc vào đó xương hàm lợn, trâu, bò. Hoặc người Hà Nhì thì là dao gỗ, kiếm gỗ, cánh, đầu gà… Điều này cũng đúng trong phạm vi nhỏ hơn, đó là dù cổng bản không treo gì, nhưng một số nhà trong bản sẽ treo những đồ tương tự thì cũng có nghĩa là họ đang không muốn người lạ vào nhà.

Điều thứ 2: Các bản làng ở Sapa cho dù có được khai thác du lịch nhưng vẫn là nơi sinh hoạt, diễn ra cuộc sống, văn hoá truyền thống của người dân nơi đây. Chính vì thế, khi tới du lịch Sapa và ghé thăm các bản làng này, mỗi người cần tự ý thức trong việc nô đùa, cười nói, không nên thể hiện, làm các hành động khiếm nhã và thô tục.

Điều thứ 3: Thông thường, ở mỗi bản làng người dân tộc thiểu số đều có một khu vực sinh hoạt chung của dân làng, khu vực thờ cúng chung vô cùng linh thiêng. Có thể là một khu rừng nhỏ, một gốc đại thụ lớn hay một hòn đá có hình dáng kỳ lạ, bất thường… Những nơi này khá dễ nhận ra vì chúng thường khá sạch sẽ, mát mẻ, thoáng đãng và đặc biệt là cũng khá đẹp.

Chính vì điều này mà nhiều du khách thường chụp ảnh, ngồi nghỉ ngơi, thậm chí ăn uống ở những khu vực này. Với người dân ở đây, hành động này của khách du lịch Sapa bị coi là không tôn trọng.

Kiêng mặc đồ lanh trắng khi tới du lịch Sapa và thăm các bản, làng

Điều thứ 4: Một cấm kỵ Sapa siêu quan trọng mà ai cũng nên biết, đó là KHÔNG HUÝT SÁO khi đi dạo chơi trong bản. Vì đây là hành động “gọi ma quỷ” về bản.

Điều thứ 5: Nhiều khách du lịch Sapa thường thích mặc màu trắng, nhất là lanh trắng chưa nhuộm, vì với thời tiết và phong cảnh ở đây, khi chụp ảnh sẽ rất đẹp. Nhưng nếu vào thăm bản làng của người dân tộc thì đây lại là một sai lầm, một cấm kỵ ở Sapa cần TUYỆT ĐỐI TRÁNH, vì màu trắng là màu của “chết chóc, tang lễ”.

Những điều cấm kỵ khi đến nhà:

Điều thứ 6: Khi vào bản Cát Cát, Tả Phìn hay Tả Van của người Mông đen, người Dao đỏ là những điểm du lịch Sapa hút khách. Nhưng khi tới đây, khách TUYỆT ĐỐI KHÔNG được ngồi ở gian giữa (vì đây là không gian thờ cúng, thiêng liêng). Nếu muốn vào thăm nhà, thì phải nghe theo sự chỉ dẫn của chủ nhà. Chiếc ghế ở đầu bàn luôn là vị trí đặc biệt và chỉ dành cho cha mẹ, dù họ đã mất, chúng ta cũng không được ngồi vào vị trí đó.

Điều thứ 7: Người dân tộc Mông khi làm nhà, thường dùng một cây cột lớn được chôn sâu xuống dưới lòng đất, đỉnh cột cao chạm nóc nhà, các cột khác thì sẽ nhỏ hơn cột lớn này. Cây cột lớn nhất ấy được gọi là “cột Cái“, là nơi “con ma trú ngụ“. Vì thế, khách du lịch Sapa khi tới thăm nhà người Mông TUYỆT ĐỐI KHÔNG treo quần áo, ngồi dựa lưng vào “cột Cái” này.

Bếp lửa, không gian giữa nhà là nơi linh thiêng với đồng bào dân tộc

Khi ngồi ăn uống, trò chuyện, cũng không được “khua chân múa tay”, chỉ trỏ lung tung trong nhà, ra phía trước vì đây là hành động bị cho là thiếu tôn trọng người tiếp chuyện, không bằng lòng với họ. Khi được mời uống nước hay uống rượu, nếu bạn không muốn, có thể từ chối khéo để chủ nhà thông cảm. Nhưng tuyệt đối không được úp bát xuống bàn. Vì đây là hành động đuổi tà trừ ma mà chỉ có “thầy cúng” mới được làm.

Điều thứ 8: Với riêng người dân tộc Hà Nhì đen, những ngôi nhà của họ thường có 2 lớp cửa. Khách du lịch Sapa, khách tới chơi chỉ có thể, nên đi qua lớp cửa thứ nhất, nếu muốn bước vào lớp cửa thứ 2 thì phải nhận được sự đồng ý của chủ nhà. Còn với nhà sàn của người Thái,  họ sử dụng 2 cầu thang dành riêng cho từng người, phụ nữ chỉ được đi bên trái.

Điều thứ 9: Khách du lịch Sapa khi tới chơi nhà người dân tộc ở đây, KHÔNG ĐƯỢC ngồi quay lưng vào ban thờ.

Điều thứ 10: Khi ngồi cạnh bếp lửa và muốn đốt thêm củi, khách du lịch Sapa phải nhớ, KHÔNG ĐƯỢC đưa ngọn củi vào trước vì đó là hành động quan niệm, con gái của chủ nhà sau này sẽ sinh ngược. Ngoài ra cũng không được quay lưng lại phía bếp, không giẫm chân vào bếp, không dùng chân đẩy củi vào, không gác chân hay làm xê dịch hòn đá kê bếp.

Điều thứ 11: Nếu có ngủ qua đêm ở nhà dân thì KHÔNG ngủ dọc theo đòn nóc nhà, KHÔNG ngủ dưới ban thờ, không quay chân về phía ban thờ, không tự ý ngủ ở ngoài chỗ mà chủ nhà đã chỉ hay ngủ dậy quá muộn. Một số dân tộc ở đây còn kiêng mắc màn trong nhà (người Mông, Dao,Thái, La Ha).

Những điều cấm kỵ ở Sapa khi ăn, uống:

Không ngồi ngang hàng với người cao tuổi nhất trong mâm

Điều thứ 12: Trong bữa ăn, phải đợi chủ nhà hành lễ xong mới được ăn. KHÔNG gắp chân gà, đầu gà trước khi chủ nhà mời. Cũng KHÔNG được tự ý ăn hay rót rượu trước chủ nhà.


Điều thứ 13: Không ngồi ngang hàng với người cao tuổi nhất mâm.


Điều thứ 14: Sau khi uống nước hay uống rượu, TUYỆT ĐỐI KHÔNG úp ngược bát, chén.


Điều thứ 15: Không mang xôi (cơm đồ) nướng trên lửa, vì đồng bào dân tộc ở đây quan niệm làm như vậy sẽ khiến mùa màng thất bát.


Điều thứ 16: Văn hoá truyền thống, thờ cúng và quan niệm về chỗ ngồi trong nhà của mỗi dân tộc khác nhau. Như người Giáy, Dao, vị trí ngồi ở gần bàn thờ là dành riêng cho người cao tuổi nhất hoặc khách quý nhất. Người Thái, Tày, Mường thì những chỗ ngồi giáp cửa sổ là để dành cho tổ tiên về tiếp khách (thường có 2 chén nhỏ ở đó), khách không ngồi ở vị trí đó. Tốt nhất là nên ngồi theo vị trí được chủ nhà sắp xếp.


Điều thứ 17: Một số dân tộc quan niệm nếu dùng từ “uống hết, cạn” để mời rượu nhau, nghĩa là chủ và khách không còn tình cảm gì. Bạn cũng nên chú ý mời người xung quanh trước khi uống.

Những điều cấm kỵ ở Sapa khi giao tiếp:

Không hôn lên đầu các em nhỏ khi du lịch Sapa

Điều thứ 18: Nên nhỏ nhẹ, điềm đạm, không cười, nói quá to và đặc biệt, khi gặp các trẻ nhỏ người dân tộc, dù quý tới đâu cũng TUYỆT ĐỐI KHÔNG xoa đầu chúng. Vì người dân ở đây quan niệm, xoa đầu, hôn lên đỉnh đầu, trán của trẻ nhỏ sẽ làm chúng hoảng sợ, hay giật mình và dễ bị đau ốm.


Điều thứ 19: Không hẳn là một cấm kỵ nhưng khi du lịch Sapa và gặp người dân ở đây, bạn nên niềm mở, không nên tỏ thái độ quá cau có hay khó chịu.


Điều thứ 20: Khi chia tay chủ nhà, chỉ cần bắt tay và cười thật tươi, TRÁNH nói “tạm biệt”.


Điều thứ 21: Không dùng các từ ngữ nhạy cảm như “mèo, mán” mà nếu cần, nên sử dụng từ chung là người Mông, đồng bào Mông.


Trên thực tế, nếu đi sâu vào thì còn rất nhiều điều cấm kỵ ở Sapa khác mà chúng ta sẽ không thể liệt kê và nhớ hết ở đây được. Nhưng bài viết trên đã đưa ra cho các bạn một số kiêng kỵ cơ bản khi tới thăm các bản làng, tới nhà cũng như giao tiếp với những người dân tộc ở đây. Hãy nhớ kỹ những điều này khi bạn có ý đinh hay đang đi du lịch Sapa.

Theo: dulichhanoi.vn