Du lịch làm trọng tâm
Nông nghiệp là nền tảng
Sống nơi núi non hiểm trở, thiếu đất đai màu mỡ nhưng với kinh nghiệm trồng lúa nước từ xa xưa, người H’mông đã san đắp những sườn núi, sườn đồi thành những thửa ruộng bậc thang độc đáo, mỗi năm có thể trồng được hai vụ lúa hoặc hai vụ ngô. Du khách có dịp lênSaPavào mùa thu, lúc lúa chín rộ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy vô số ruộng bậc thang từ thấp lên cao, vàng óng quanh co uốn lượn dọc theo sườn núi. Có thể nói đó là một trong những cảnh quan đẹp nhất vùng núi cao Tây Bắc.
Khoảng vài chục năm trước, người H’Mông có thói quen đốt rừng, phát hoang để làm ruộng rẫy và sống du canh du cư. Nhưng nay thì thói quen này đã chấm dứt và được Nhà Nước giao rừng, giao đất để tự quản, sinh sống, rừng Sa Pa cũng hồi sinh, ruộng nương rộng lớn, trù phú và xanh tốt.
Trong 5 năm qua, thị xã Sa Pa có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số đơn vị hành chính đạt nội dung này lên con số 5. Sản xuất công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp tăng mạnh về quy mô, giá trị ước đạt 2.740 tỷ đồng vào năm 2020. Kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại tăng nhanh về mọi mặt, đặc biệt, du lịch tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã. Nổi bật là du lịch cộng đồng phát triển mạnh với hơn 310 cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ do người dân chủ động đầu tư tại các điểm du lịch theo tua, tuyến nội huyện. Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái được quan tâm phát triển với nhiều dự án quy mô lớn mới đi vào khai thác như quần thể khu du lịch dịch vụ cáp treo Fansipan, dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao Silk Path, khách sạn 4 sao Việt Pháp, khách sạn Pao’s. Du lịch - dịch vụ phát triển sôi động, qua đó tạo việc làm ổn định cho 8.000 lao động, trong đó có 2.000 lao động được đào tạo nghiệp vụ du lịch hoặc tương đương. Trong 5 năm qua, ngành du lịch thị xã Sa Pa duy trì đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, tăng trung bình 20%/năm, doanh thu đạt 9.300 tỷ đồng/năm, mức tăng trưởng của thương mại - dịch vụ đạt bình quân 13,05%/năm, giá trị đạt 5.822 tỷ đồng/năm, trong đó tổng mức luân chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 4.628 tỷ đồng/năm.
Thị xã Sa Pa đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương 14,5%/năm; đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân đạt 85 triệu đồng (gấp 2 lần hiện nay); giá trị sản phẩm tính trên 1 ha đất sản xuất hoặc nuôi thủy sản đạt 160 triệu đồng/năm; tổng lượng khách du lịch đến Sa Pa đạt 5,8 triệu lượt người, doanh thu từ du lịch đạt 27.000 tỷ đồng. Nắm bắt thời cơ, vận hội, khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế là yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc thị xã Sa Pa trong thời gian tới. Phát triển đồng bộ, toàn diện không có nghĩa là dàn trải, thị xã Sa Pa tiếp tục xác định hướng phát triển kinh tế chủ đạo là: Lấy du lịch - dịch vụ - thương mại làm trung tâm, chọn sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng.
Giải pháp thực hiện với phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên cây trồng đặc hữu, chuyển đất nương đồi kém hiệu quả sang canh tác cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, cây ăn quả, cây rau, cây hoa. Huy động nguồn lực xứng đáng cho các dự án sản xuất nông - lâm nghiệp, nhất là các dự án có quy mô lớn, dự án sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Hình thành và mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, trong đó thế mạnh là vùng chuyên canh hoa, dược liệu, sản xuất rau an toàn, nuôi cá nước lạnh. Trong chăn nuôi, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm bản địa, nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản đặc hữu để cung ứng cho nhu cầu thị trường tại chỗ. Tích cực huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là cải thiện hệ thống hạ tầng, giữ môi trường tự nhiên, phát triển sản xuất hàng hóa và nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân.
Du lịch, dịch vụ - thương mại và sản xuất nông, lâm nghiệp là 2 mũi nhọn khác nhau nhưng với đặc thù của thị xã Sa Pa, 2 thành tố có mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau để cùng phát triển và phát triển bền vững. Điều đó thêm phần khẳng định sự lựa chọn của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Sa Pa khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về lĩnh vực kinh tế trọng tâm, lĩnh vực kinh tế nền tảng là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt.
Theo: baolaocai.vn